Hiệp nghị hòa bình và sự chuẩn bị Chiến_tranh_Minh-Thanh

Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất, tướng trấn thủ vùng Liêu Đông của Nhà Minh là Viên Sùng Hoán theo dõi sát sao tình hình quân Kim, và muốn tranh thủ giữ quan hệ hòa hoãn với nhà Kim để có thêm thời gian xây dựng, tu sửa các công sự phòng ngự nên ông đã đặc phái sứ giả tới viếng tang, nhằm thám thính động tĩnh của quân Hậu Kim, thăm dò thái độ của Hoàng Thái Cực. Tuy rất hận Viên Sùng Hoán nhưng vì mới bại trận, cần nghỉ ngơi và chỉnh đốn quân mã, đồng thời cũng qua đó tìm hiểu thái độ của nhà Minh nên Hoàng Thái Cực không chỉ tiếp đón sứ giả của Viên Sùng Hoán, mà còn phái sứ giả đến Ninh Viễn bày tỏ lòng biết ơn.

Nhân đó, Viên Sùng Hoán bèn phái sứ giả đến nghị hòa với nhà Kim. Ngoài mặt hai bên đều tỏ ra hòa hoãn, nhưng thực tế lại đều khẩn trương chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo[15]. Việc nghị hòa thành công, cả hai bên nhất trí sẽ không dấy binh đao trong thời gian này. Đối với việc này, Hoàng Thái Cực nhận thấy có lợi nên đã chấp nhận, thời gian này rất quý báu để ông có thể chính thức lên ngôi, cũng cố nội chính, chỉnh đốn binh mã, bồi dưỡng lực lượng và đánh Triều Tiên. Chính vì hiệp nghị hòa bình này, năm đầu tiên, sau khi Hoàng Thái Cực nối ngôi đã yên tâm dẫn quân Kim đi đánh Triều Tiên.

Hoàng Thái Cực vị Đại hãn kế tục sự nghiệp chinh phục của cha mình

Đối với Viên Sùng Hoán, hiệp ước này cũng có lợi vì có thời gian để tăng cường, rèn luyện binh mã, tu sửa các thành trì, công sự và tích trữ lương thảo chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài[16] . Khi nghị hòa với Kim quốc, trong triều Minh nhiều quan lại bàn tán xôn xao về việc Viên Sùng Hoán lại quan hệ tốt với nhà Kim. Viên Sùng Hoán phải dâng sớ thuật lại mục đích của mình.


Tờ sớ giải trình:

"Ngoài quan ải đất hẹp người đông nên phải xây dựng sửa sang lại ba thành Cẩm Châu, Trung Tả và Đại Lãng để phòng tuyến kéo dài ngoài quan ải đến 400 dặm. Nếu như thành chưa được tu sửa xong mà quân nhà Kim đã đánh thì tất phải thua. Ta đã ở vào thế đánh thì thắng thủ thì bại. Vì thế nhân nhà Kim đánh nhau với Triều Tiên, chúng ta lấy kế hòa để tiến, hoãn binh củng cố thành trì. Khi nhà Kim đến thì chúng ta đã tu sửa tốt thành trì vùng biên để vững chắc thì nhà Kim không thể làm gì được".


Minh Hy Tông đồng ý với cách lý giải của Viên Sùng Hoán, việc xì xào của triều thần cũng tạm thời lắng xuống, nhưng những nghi ngờ trong lòng họ vẫn chưa dứt hẳn. Mấy năm sau, việc nghị hòa của Viên Sùng Hoán bị khoác lên tội danh tư thông với giặc khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Tóm lại, bằng một hiệp nghị hòa bình giữa Hoàng Thái Cực và Viên Sùng Hoán, biên giới của hai nước đã tạm lắng chiến sự, nhân dân hai nước ở khu vực này được yên ổn, hòa bình trong một thời gian ngắn. Trong thời gian này, hai bên đều tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. Hoàng Thái Cực đánh Triều Tiên để giải quyết vấn đề hậu cần, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến dài hơi, lấy chiến tranh để nuôi chiến tranh. Trong khi đó Viên Sùng Hoán cũng có những bước chuẩn bị tích cực cho cuộc chiến, bằng việc ra sức tu sửa thành trì, mua sắm vũ khí, chỉnh đốn binh mã, vỗ về dân chúng.

Viên Sùng Hoán trước đó được Triều đình Nhà Minh bổ nhiệm làm Tổng đốc Liêu Đông (Cổ sử gọi chung là vùng Liêu Đông, gồm các tỉnh Liêu Ninh (Liaoning 辽宁), Cát Lâm (Jilin 吉林) và Hắc Long Giang (Heilongjiang 黑龙江) ngày nay), trấn thủ Sơn Hải quan để chống quân Mãn Châu. Ông từng nhiều lần đánh bại nhiều cuộc tấn công của quân Kim (đặc biệt là trong chiến dịch Ninh Viễn lần thứ nhất, đánh bại Nỗ Nhĩ Cáp Xích).

Sơn Hải quan

Sơn Hải quan (Sơn Hải quan thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei 河北) là một cửa ải nằm cạnh phía cực đông của Vạn Lý trường thành, kế bên ranh giới Liêu Ninh, cạnh bờ biển Ninh Viễn là Hưng Thành (Xingchen 兴城)[17] thuộc tỉnh Liêu Ninh ngày nay. Sơn Hải quan có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ đề từ quan ngoại có thể tiến vào Trung thổ. Trong cuộc chiến với người Mãn Châu, Sơn Hải quan là mặt trận chính của những cuộc đọ sức giữa hai bên. Tinh binh quân Kim vẫn chưa thể vượt qua Vạn Lý trường thành để vào quan nội được là vì sự vững vàng của Sơn Hải quan. Tiền đồn của Sơn Hải quan là hai cứ điểm quan trọng, thành Ninh Viễn và thành Cẩm Châu.[18] Sau khi khảo sát thực địa ở ngoài của quan Sơn Hải quan, nghiên cứu kỹ hình thế trong và ngoài cửa ải, Viên Sùng Hoán đã quyết định phái binh trú đóng ở Ninh Viễn, xây dựng công sự phòng thủ để đương đầu với quân Hậu Kim[cần dẫn nguồn].

Khi Viên Sùng Hoán đến Ninh Viễn (1623), ông quan sát địa thế, tình hình và đưa ra một sách lược quan trọng, đó là tăng cường phòng thủ cho Ninh Viễn, biến khu vực trước Sơn Hải quan thành "nội địa", qua đó dời chiến sự ra xa khỏi Sơn Hải quan, giảm áp lực cho nơi đây. Ông lập tức bắt tay tu sửa lại thành Ninh Viễn, tích cực huy động dân binh tại chỗ, tranh thủ thời gian, đào hào đắp luỹ, xây tường thành. Viên Sùng Hoán định ra tiêu chuẩn về việc xây thành là tường thành cao 3 trượng 2 tấc, sống tường cao 6 tấc, đế tường rộng 3 trượng, mặt trên tường rộng 2 trượng 4 tấc.[cần dẫn nguồn] . Đến năm thứ hai, việc sửa sang thành luỹ đúng theo quy cách đã hoàn thành. Ngoài ra, ông còn trang bị các loại hỏa khí, bố trí thêm nhiều khẩu đại pháo trên mặt thành. Đây là những khẩu đại pháo được Triều đình nhà Minh mua từ các thương gia phương Tây (như Bồ Đào Nha, Hà Lan, …) gọi là Hồng Di đại pháo, có sức công phá mạnh, uy lực khủng khiếp, hoàn toàn có thể tiêu diệt các đội kỵ binh của quân du mục.

Hồng Di đại pháo

Từ đó về sau, thành Ninh Viễn trở thành nơi trấn thủ quân sự quan trọng trong tuyến phòng thủ Liêu Đông của nhà Minh. Cũng từ đó thành Ninh Viễn người xe tấp nập đổ về, trở thành vùng đất đô hội của Liêu Đông. Ông còn cử các tướng chia quân đi trấn giữ các thành Cẩm Châu, Trung Sơn, Sa Sơn, Hữu Đồn và sông Lãng, phái các đội binh mã trú đóng ở những vùng phụ cận Ninh Viễn để tiếp ứng cho Ninh Viễn,[19] hình thành thế "ỷ giốc", tương trợ lẫn nhau. Đồng thời xây thành đắp lũy, dựng nhà cho dân giữ kế lâu dài. Việc làm đó khiến tuyến phòng thủ tiền tiêu tiến xa thêm hơn 200 dặm, biến vùng đất phía trước thành Ninh Viễn trở thành "nội địa", giảm áp lực đáng kể cho Sơn Hải quan. Chủ trương này được cấp trên của ông ở triều đình là được Tôn Thừa Tông ủng hộ. Viên Sùng Hoán tranh thủ trong thời gian đình chiến (thời gian theo một hiệp nghị hòa bình bí mật giữ ông và Hoàng Thái Cực), động viên quân dân Liêu Đông xây dựng nên một tuyến phòng thủ bao quanh Sơn Hải quan gồm các thành Cẩm Châu (Miên Châu), Hữu Đồn, Ninh Viễn, ... vùng biên cương đông bắc của nhà Minh ngày càng được củng cố chắc chắn.[16]

Có thể nhận thấy, sách lược phòng ngự của Viên Sùng Hoán là một sách lược phòng ngự tích cực, chủ động. Trước đó, các chỉ huy quân Minh tổ chức phòng ngự hết sức bị động, việc phòng ngự theo kiểu cố thủ, co cụm trong các công sự càng kiến cho quân Kim thoải mái chiếm giữ địa lợi, chủ động trong khai chiến và tiến thoái. Trái lại, Viên Sùng Hoán lại chủ động phòng ngự tích cực thông qua việc mở rộng hệ thống công sự, sử dụng các tiền đồn vệ tinh (Ninh Viễn, Cẩm Châu) làm giảm sức ép cho Sơn Hải Quan, dần dần biến mặt trận thành hậu phương, đẩy chiến trường chính ra xa khỏi các trọng điểm. Điều đó cho thấy tầm nhìn quân sự của ông, một đối thủ ngang tài, ngang sức với Hoàng Thái Cực.